Dried chopped fish Ca Mau mung – Bold the New Year home

Dried chopped fish Ca Mau mung – Bold the New Year home

“Tết tết tết đến rồi!” Khi những điệp khúc xuân trên quê hương Đất Mũi vang vọng là người dân Cà Mau đã rộn rã bắt tay vào chuẩn bị ẩm thực cho những ngày Tết. Đối với người dân Cà Mau, Tết không chỉ là thịt mỡ, dưa, hành, bánh tét,… mà còn có hương vị của các loại khô như tôm khô, khô cá kèo, khô cá khoai, khô cá sặc bổi,… góp phần quan trọng không thể thiếu đối với mỗi gia đình.

Với vị trí địa lý đặc biệt, Cà Mau có vùng U Minh hạ với nhiều cánh đồng nước ngọt rộng lớn và những cánh rừng rậm rạp đã sinh ra các loài rong tảo là môi trường thuận lợi cho cá sặc bổi sinh sôi và phát triển. Vì nhiều, nên cá sặc bổi rất gần gũi với đời sống của người dân vùng này. Cá có thể được dùng để kho tộ, nấu canh chua, muối chiên,… và đặc biệt là có thể làm khô để bảo quản lâu hơn. Nghề làm khô cá sặc bổi U Minh hạ đã trở thành một trong những thương hiệu nghề nổi bậc của Cà Mau và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” vào năm 2011.

Cá sặc bổi có tên khoa học là Trichogaster pectoralis, thuộc họ cá nước ngọt, hay nói nôm na theo kiểu của dân miền Tây mình là cá đồng. Với đặc điểm là lưng cá to, thịt nhiều, so với việc chế biến thành các món chiên, kho thì cá thích hợp nhất là đem làm khô. Cách làm khô cá sặc bổi đơn giản nhưng cần phải có sự kỹ lưỡng và cẩn trọng trong việc canh và lật con cá cho đều nắng. Cá khi bắt lên còn tươi rói đem đi đánh vẩy, bỏ ruột và rửa sạch. Sau đó đem cá ngâm vào trong nước muối khoảng 2 giờ với tỉ lệ khoảng 10 kg cá thì 3kg muối, tùy vào sở thích của người ăn mặn hay lạt có thể ngâm cá ít hoặc nhiều hơn so với thời gian nêu trên rồi đem đi phơi nắng. Trước khi lấy ra phơi thì đem cá rửa sơ lại một lần nữa qua nước lã, thường thì phơi hai nắng (nếu là nắng tốt) là vừa ăn và ngon nhất. Vào những ngày cuối năm nắng đẹp chính là thời điểm thuận lợi nhất để làm khô. Một bí quyết nữa trước khi đến tay người tiêu dùng là người làm sẽ đem khô vừa phơi xong, xếp thẳng hàng và dằn vật nặng lên trên thì khô sẽ dẻ khắc, chắc thịt và không bị bủng.

Theo Thím Mười (điểm du lịch Mười Ngọt – xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: “ Vào mùa khô khi nước rút, cá sặc bổi rất dễ bắt, phổ biến là hình thức chụp đìa. Chúng kiếm ăn ngoài tự nhiên nên thịt rất ngon ngọt”.  Chính vì thế mà khô cá sặc bổi Cà Mau sau khi đã chế biến có mùi thơm thơm và vị mằn mặn. Thịt cá không quá day cũng không bở, phần bụng cá tươm ra một lớp mỡ dày béo ngậy hòa quyện với phần thịt cá đo đỏ rất bắt miệng khi ăn. Khô có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng khô ăn với cơm chang nước dừa; chiên chấm nước mắm me kết hợp với vài củ dưa kiệu hoặc trộn gỏi với xoài chua chua ngọt ngọt dùng để nhắm nháp vài xị đế hoặc mấy chai bia là ngon hết ý .

Là một món ăn ngon bổ, dễ chế biến, dễ bảo quản giá thành phù hợp với người tiêu dùng nên cá sặc bổi không chỉ là một món quà đặc sản được khách du lịch ưa thích mà còn là lựa chọn của hầu hết các gia đình vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán.

Ảnh và bài viết: Dương Kim Chuyển