Dried shrimp – Taste of Mui Land

Dried shrimp – Taste of Mui Land

Tôm khô Cà Mau được Kênh giới thiệu ẩm thực, đặc sản Việt Nam và thế giới của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings, bình chọn là một trong top 10 đặc sản quà tặng của Việt Nam (tháng 6/2017). Cùng các đặc sản như Trà Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), Bánh đậu xanh (Hải Dương), Mè xửng (Thừa Thiên Huế), Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), Rượu Bàu Đá (Bình Định), Yến sào (Khánh Hòa), Cà phê Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Sâm Ngọc Linh (Kon Tum), Mật ong (Gia Lai).

Nền văn hoá ẩm thực Việt Nam rất phong phú và độc đáo. Mỗi một miền có một nét riêng, khẩu vị riêng góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam đặc sắc và hấp dẫn.     Trong đó ẩm thực Cà Mau mang đậm hương sắc của rừng và biển bởi Cà Mau là vùng đất được thiên nhiên ban tặng với hệ sinh thái đa dạng, có sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn, ngọt và lợ  tạo nên nhiều loại đặc sản, sản vật mang đậm hương vị đặc trưng Đất Mũi. Những đặc sản nổi tiếng, rất thích hợp để làm quà tặng cho người thân sau mỗi chuyến hành trình có một thứ mà du khách không thể bỏ qua đó là tôm khô. Ngày nay Tôm khô Cà Mau không những nổi danh ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà tôm khô Cà Mau được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings bình chọn bởi hương vị tôm khô Cà Mau đi vào lòng du khách gần xa khi đã từng một lần được nếm thử. Cái vị ngọt đậm đà nơi đầu lưỡi, hương thơm tự nhiên còn vương vấn mãi khiến ai ai cũng phải xuýt xoa và muốn đem về làm quà cho người thân sau chuyến đi dài.

TOM-KHO

Các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau đâu đâu cũng có cơ sở chế biến tôm khô nhưng nhiều nhất và nổi tiếng nhất là vùng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Hàng năm, thời điểm nhộn nhịp nhất có lẽ là khi mùa gió chướng thổi về (khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch) người dân nhộn nhịp vào mùa làm tôm khô đón Tết.

Tôm khô chủ yếu làm từ tôm tự nhiên như tôm bạc, tôm đất, tôm chì,… được đánh bắt từ thiên nhiên sông, biển hay từ vuông tôm. Nhưng tôm khô ngon nhất là tôm đất, con tôm đất không lớn lắm, kích cỡ trung bình chừng gần bằng ngón tay út, vỏ cứng, dày, sau khi bắt lên khỏi nước một vài giờ vẫn có thể còn sống, thịt tôm khi luộc chín có màu đỏ tự nhiên.

Để tôm khô sau khi thành phẩm được ngon phải chọn tôm tươi. Tôm phải luộc trong nước thật sôi, rồi mới được cho muối vào tiếp tục luộc, sau đó đem ra phơi hoặc sấy khô. Để cho ra được con tôm khô có vị vừa ăn mà vẫn giữ được mùi thơm đậm đà người luộc tôm rất quan trọng, phải canh lửa cháy đều, nêm muối vừa phải, chọn đúng thời điểm vớt tôm để mang đi phơi hoặc sấy. Thường người ta luộc tôm vào buổi hừng sáng để có nhiều thời gian phơi cho được nắng. Con tôm phơi được nắng là chỉ phơi khoảng hai ngày, nếu kéo dài hơn tôm khô sẽ bốc mùi và bị mất màu, bở thịt.

DSC_0063

Quy trình làm tôm khô là vậy nhưng mỗi cơ sở lại có một bí quyết riêng, tuy nhiên cái mùi vị tôm khô Cà Mau thì không lẫn với bất cứ nơi đâu bởi hương thơm, vị mặn và ngọt cứ đan xen hoà quyện vào nhau mang đậm hương vị Đất Mũi.

Với những ai đã từng đặt chân đến Cà Mau thì sẽ vương vấn mãi không thôi cái hương vị của miền biển phù sa đầy nắng gió này. Và nếu ai chưa từng đến thì hãy một lần đến Cà Mau để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, thưởng thức những sản vật và để cảm nhận được tình đất, tình người của vùng đất địa đầu cực nam của tổ quốc.

Bài viết và ảnh: Kiều Trang